Tiền Giang mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả

Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất nước, Tiền Giang đang tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi đất trồng lúa, cây ăn quả kém chất lượng sang trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và tình hình xâm nhập mặn gay gắt những năm gần đây, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân.

 

Hiệu quả hơn nhiều lần trồng lúa
 
 Tiền Giang được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nhiều loại cây trồng đặc sản, trong đó, nhiều loại đã có thương hiệu trên thị trường như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, dứa, thanh long, vú sữa Lò Rèn… Những loại cây ăn quả (CĂQ) đặc sản này đã giúp rất nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Giang ở xã Tam Bình (Cai Lậy) trồng 0,8 ha sầu riêng được 10 năm tuổi. Mỗi năm, sầu riêng được mùa, được giá, gia đình thu lợi nhuận khoảng một tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hạn, mặn thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng và quỹ đất mở rộng vườn không còn. Ông Giang cùng vài người vào xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) để mua 2,3 ha đất lúa, lên vườn trồng sầu riêng xen canh mít theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Đến nay vườn cây của ông Giang được hơn một năm tuổi và đang phát triển rất tốt. Ông cho biết: “Gia đình có nhiều năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, gia đình chủ động mua, trữ nước ngọt; áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật để chăm sóc cho nên 0,8 ha sầu riêng ở vùng phía nam quốc lộ 1A vẫn an toàn; riêng 2,3 ha đất trồng sầu riêng xen mít ở xã Hậu Mỹ Trinh được gia đình thuê kỹ thuật đến lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích và kết luận vùng đất nơi đây phù hợp với sự phát triển của loại cây đặc sản này”.
 
 Phía bắc quốc lộ 1A của huyện Cai Lậy vốn là vùng chuyên canh trồng lúa, phía nam chuyên canh CĂQ. Vài năm trở lại đây, cây lúa không mang lại hiệu quả, nước lũ không về cho nên người dân phía bắc quốc lộ 1A đã chủ động chuyển đổi sang vườn CĂQ mang lại hiệu quả cao hơn. Bà Huỳnh Thị Bảy có 0,3 ha đất ở xã Phú Nhuận (Cai Lậy) đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng mít Thái siêu sớm được hơn 2 năm tuổi. Bà cho biết, một thời gian quá dài, gia đình trồng lúa không làm thay đổi cuộc sống, thậm chí khó khăn thêm. Mỗi năm, lợi nhuận 0,3 ha lúa chỉ được khoảng 13 triệu đồng. Số tiền này không đủ trang trải cho bốn nhân khẩu trong gia đình. Nhờ Nhà nước quy hoạch hệ thống đê bao khép kín, các cống đập được xây dựng kiên cố cho nên rất nhiều hộ đã chuyển sang trồng CĂQ đặc sản, bắt đầu có thu nhập. Giá mít dao động 5 đến 10 nghìn đồng/kg, nông dân vẫn còn lãi gấp 2 đến 3 lần trồng lúa.
 
 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Thời gian qua, nông dân Tiền Giang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa là do các loại CĂQ, rau màu có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Mặt khác, diện tích trồng CĂQ ở phía nam quốc lộ 1A của tỉnh Tiền Giang không còn để mở rộng, trong khi nhu cầu của nông dân là rất lớn, đặc biệt đối với cây đặc sản như sầu riêng, mít. Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ đến tìm hiểu nhu cầu, lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích. Kết quả, nhiều diện tích ở khu vực này thích hợp cho sự phát triển của sầu riêng, mít, bưởi da xanh, dừa… Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã và đang quy hoạch hàng nghìn héc-ta từ đất lúa sang trồng CĂQ đặc sản, trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư nhiều hệ thống đê bao kiên cố nhằm ngăn lũ, ngăn triều cường ở những vùng đã có diện tích lớn; tích cực tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hướng GlobalGAP, VietGAP”.
 
 Hiện nay, diện tích CĂQ của tỉnh Tiền Giang đạt hơn 80.000 ha, tăng khoảng 10.000 ha so với năm 2015, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, nhiều loại CĂQ có vùng trồng tập trung như: dứa 15.500 ha, sầu riêng hơn 13.000 ha, thanh long gần 10.000 ha, mít khoảng 6.000 ha… Cây thanh long tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây và một số nơi ở huyện biển Gò Công Đông; sầu riêng tập trung ở huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè; cây mít được trồng rải đều khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong số này, khoảng 700 ha CĂQ đặc sản được trồng theo quy trình GlobalGAP, VietGAP như, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng…
 
 Chú trọng đầu ra sản phẩm
 
 Vấn đề đầu ra nông sản luôn là bài toán khó cho nông dân cũng như ngành chức năng. Do đó, tỉnh Tiền Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi doanh nghiệp tập trung đầu tư vào việc chế biến, thu mua các loại nông sản nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết câu chuyện “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa” cho nông dân. Hiện, Tiền Giang có mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh CĂQ gồm: 150 cơ sở thu mua, sơ chế quả quy mô vừa và nhỏ; 42 hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên kinh doanh về quả. Ngoài ra, tỉnh có 14 nhà máy chế biến trái cây, với công suất chế biến gần 50 nghìn tấn/năm. Năm 2019, Tiền Giang xuất khẩu gần 21 nghìn tấn quả các loại, đạt 37,6 triệu USD, tăng hơn 158% về lượng và tăng 176% về giá trị so với năm 2018. Trong đó, thanh long chiếm hơn 37%, sầu riêng 10%, xoài gần 3%… Riêng quý I-2020, tỉnh xuất khẩu được gần 2.000 tấn quả với kim ngạch 3,9 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây, tỉnh cũng đã thu hút một số doanh nghiệp tầm cỡ đã đặt cơ sở thu mua sản phẩm CĂQ tại Tiền Giang với quy mô lớn, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản. Đơn cử Tập đoàn Vina T&T đã đặt hai cơ sở thu mua ở thị xã Cai Lậy và huyện Chợ Gạo. Mỗi tháng, các cơ sở này thu mua trung bình 20 đến 30 công-ten-nơ, loại 40 feet (khoảng 600 đến 900 tấn quả các loại).
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết: Cùng với các hoạt động chuyển giao khoa học – công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng trồng thì công tác tìm kiếm đầu ra sản phẩm, mở rộng thị trường đã có thuận lợi bước đầu đáng phấn khởi. Đó là, vú sữa Lò Rèn vào được thị trường khó tính như Mỹ, xoài cát Hòa Lộc được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, đã mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá các loại quả của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên thực hiện hoạt động kết nối cung – cầu các mặt hàng quả với các kênh phân phối như: các siêu thị, trung tâm thương mại lớn; các chợ đầu mối rau quả tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP Hà Nội. Thông qua các hoạt động này, nhiều loại quả của Tiền Giang đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối của những thành phố lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện các ấn phẩm xúc tiến thương mại, với nhiều thứ tiếng, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đến với các đối tác trong và ngoài nước…
 
 Để CĂQ đặc sản phát triển tốt và tăng trưởng bền vững, tỉnh Tiền Giang đã và đang tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng cao, đồng đều, rải vụ, giảm chi phí đầu vào và tinh gọn chuỗi giá trị, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu CĂQ đặc sản mang tầm khu vực và quốc gia, tích cực quảng bá mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế. Cụ thể như: tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ; sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, xây dựng và giữ vững thương hiệu mạnh đại diện cho quốc gia; giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới. 
 

Bài viết liên quan